Cách thay tã cho thiên thần nhỏ của bạn

AQA BABY Việt Nam
Thứ Tư, 09/02/2022

Khi nào nên thay tã cho bé?

Trẻ sơ sinh cần được thay tã thường xuyên.

Trẻ sơ sinh có làn da rất mỏng manh, nhạy cảm, nên cần phải thay tã ngay khi bé tè hoặc ị, nếu không làn da sẽ bị đau rát và tấy đỏ.

Các bà mẹ cũng nên nhớ chú ý thay tã khi bé vừa bú xong, vì đó là thời điểm bé hay tè hoặc ị.

Trẻ sơ sinh cần được thay tã từ 10-12 lần một ngày, trong khi trẻ lớn hơn nên được thay khoảng 6 đến 8 lần.

Chuẩn bị đầy đủ "đồ nghề" thay tã

Trước khi thay tã cho con, bạn nhớ rửa tay sạch sẽ và lau khô, rồi chuẩn bị các đồ dùng cho việc thay tã, bao gồm:

  • Một tấm lót cao su hoặc khăn tắm
  • Bông gòn và một ca nước ấm, hoặc khăn ướt chuyên dùng cho trẻ (loại không có mùi thơm và cồn).
  • Một túi nylon hoặc xô để đựng tã bẩn, bông gòn hoặc khăn ướt đã bẩn.
  • Kem chống hăm hoặc kem bảo vệ làn da của bé
  • Một chiếc tã sạch (bao gồm cả tấm lót tã nếu bạn dùng tã vải).
  • Quần áo sạch.

Thay tã cho bé ở đâu?

Cần thay tã cho bé ở nơi có bề mặt phẳng, sạch sẽ, ấm áp, tốt nhất là trên giường hoặc sàn nhà lau sạch, phía trên có trải khăn tắm hoặc miếng lót bằng cao su. 

Khi cho đặt bé ở nơi an toàn như vậy, bé sẽ không thể bị ngã khi bạn chẳng may sơ suất. Tốt nhất, bạn nên ngồi hẳn xuống để không bị đau lưng.

Những em bé lớn hơn có thể sẽ cố gắng vặn vẹo khi được thay tã, nên bạn có thể đưa bé một món đồ chơi để đánh lạc hướng.

Cách thay tã

Cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cho cho bé dù là bé đi tè hay ị.

Đầu tiên, hãy dùng chính chiếc tã bẩn đó để lau sạch phân hoặc nước tiểu ở mông của bé. Sau đó, dùng bông gòn và nước ấm (hoặc khăn ướt cho bé) để lau thật sạch nước tiểu hoặc phân. Chú ý lau thật nhẹ nhàng và kỹ lưỡng các phần nếp gấp da ở khu vực mặc tã.

Đối với bé gái, nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh vi trùng xâm nhập vào vùng kín của bé. Nếu là bé trai, bạn cần chú ý lau kỹ phần “chim” của bé.

  • Nếu căn phòng đủ ấm áp, có thể để bé nằm chơi một lúc trên miếng lót mà không chưa cần mặc tã. Việc mặc tã thường xuyên sẽ khiến trẻ dễ bị hăm tã hơn.
  • Nếu bạn đang sử dụng tã dùng một lần, hãy cẩn thận không để nước hoặc kem vương vào chỗ băng dính của tã, khiến bạn mặc tã cho bé không được chặt.
  • Nếu bạn đang sử dụng tã vải, hãy đặt tã trên tấm lót tã, điều chỉnh tấm lót tã để nó vừa khít với bụng và đùi của bé.

Bạn đừng quên trò chuyện với bé khi thay tã. Kéo dãn cơ mặt, mỉm cười, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe sẽ giúp gắn kết tình mẫu tử và giúp ích cho sự phát triển bé.

Một điều vô cùng quan trọng là người mẹ đừng tỏ ra ghê tởm phần chất thải trong tã của con. Bạn sẽ không muốn con mình nghĩ rằng hành động “ị” là một điều gì đó xấu xa hoặc tiêu cực.

Vệ sinh tã lót

Tã lót dùng một lần có thể được cuộn chặt lại, cho vào túi nylon và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng rác.

Đối với tã vải, nếu có thời gian bạn có thể ngâm tã trước khi giặt, để giúp các vết bẩn được loại bỏ dễ dàng hơn khi giặt. Có thể giặt tã bằng tay, hoặc bằng máy ở 60°C.

Nếu có điều kiện, hãy sử dụng các loại nước giặt, bột giặt dành riêng cho trẻ để bảo vệ làn da mỏng manh, nhạy cảm của trẻ.

Không giặt chung tã bẩn với các loại quần áo khác.

Để tránh viêm nhiễm, bạn hãy rửa tay sạch sau khi thay tã, trước khi bạn làm bất cứ việc gì khác.

Nếu con bạn đủ lớn, hãy tập cho con rửa tay cùng với bạn để tạo thói quen tốt.

"Chất thải" của trẻ trông như thế nào?

Chất thải của lần đầu tiên bé đi “ị” được gọi là phân su, có màu xanh đen và có tính chất dính.

Một số trẻ sơ sinh có thể đi ị kiểu này trong hoặc sau khi sinh, hoặc trong vòng 48 giờ đầu tiên.

Sau một vài ngày, phân sẽ chuyển sang màu vàng hoặc màu mù tạt. Phân của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường chảy lỏng và không có mùi. Phân của trẻ bú sữa công thức cứng hơn, có màu nâu sẫm và nặng mùi hơn.

Một số loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cũng có thể làm cho phân của bé có màu xanh đậm. Nếu bạn chuyển từ bú sữa mẹ sang bú sữa công thức, bạn sẽ thấy phân của trẻ trở nên sẫm màu hơn và giống như bột nhão hơn.

Đối với bé gái, bạn có thể thấy chất dịch màu trắng trên tã của trẻ trong vài ngày sau khi sinh. Nguyên nhân là do các hormone đã truyền qua nhau thai sang con bạn.

Trẻ đại tiện bao nhiêu lần một ngày?

Trẻ sơ sinh trung bình “ị” 4 lần mỗi ngày trong tuần đầu tiên.

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể đi ị ở mỗi lần bú trong những tuần đầu, sau đó, số lần đi đại tiện có thể giảm đi khi trẻ ăn nhiều hơn và lớn hơn. Con số này giảm xuống trung bình 1-2 lần một ngày khi chúng được 1 tuổi.

Trẻ bú sữa công thức có thể đi ị đến 5 lần một ngày khi mới sinh, nhưng sau một vài tháng, tình trạng này có thể giảm xuống còn 1 lần mỗi ngày.

Trẻ sơ sinh căng thẳng hoặc thậm chí khóc khi ị cũng là điều bình thường. Nếu vài ngày bé mới ị một lần, nhưng phân vẫn mềm thì chưa phải là táo bón.

Phân của bé thay đổi thì có bình thường không?

Từ ngày này sang ngày khác hoặc tuần này sang tuần khác, phân của bé có thể sẽ khác nhau.

Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi rõ ràng nào, chẳng hạn như phân trở nên nặng mùi, nhiều nước hoặc cứng hơn (đặc biệt nếu có máu trong đó), bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Nếu phân của bé trông nhợt nhạt, đây có thể là dấu hiệu của bệnh gan .

Tã giấy và tã vải

Tã giấy và tã vải đều có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Ban đầu, bạn có thể sẽ bối rối chưa biết lựa chọn loại tã nào phù hợp với con mình, nên hãy dùng thử nhiều loại để chọn ra loại phù hợp nhất.

Tã giấy và tã vải có những ưu và nhược điểm khác nhau, vì vậy bạn sẽ cần cân nhắc những yếu tố như giá thành, sự tiện lợi và tác động đến môi trường khi chọn mua.

Ví dụ, tã giấy rất tiện dụng nhưng có thể gây ô nhiễm môi trường và có thể gây kích ứng cho da, nhưng tã vải sẽ rẻ hơn nhưng lại tốn thời gian giặt giũ.

Bài viết sử dụng tài liệu tham khảo của Bộ Y Tế quốc gia Anh NHS.

Viết bình luận của bạn