Kinh nghiệm trekking núi Lảo Thẩn: Lịch trình, chi phí & kinh nghiệm thực tế
36 phút đọc

Kinh nghiệm trekking núi Lảo Thẩn: Lịch trình, chi phí & kinh nghiệm thực tế

Núi Lảo Thẩn là không gian bình yên và ở đó có những khoảng lặng đưa chúng ta về với phiên bản giản đơn, hạnh phúc nhất của mình. Từng bước chân an lành giữa thiên nhiên, cỏ cây, mây trời cứ thế nối tiếp nhau qua tháng ngày. Lảo Thẩn và chuyến trekking ghé thăm “nóc nhà Y Tý” ấy thật sự đáng để trải nghiệm và để bạn có một chuyến đi ý nghĩa, an toàn, trọn vẹn. Sinh Tour Việt Nam xin phép gửi tới bạn kinh nghiệm trekking núi Lảo Thẩn gồm lịch trình, chi phí và những lưu ý.

Giới thiệu núi Lảo Thẩn

Núi Lảo Thẩn, thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là một trong những điểm đến hấp dẫn dành cho những ai yêu thích trekking và khám phá thiên nhiên. Với độ cao khoảng 2.860m, Lảo Thẩn được mệnh danh là “nóc nhà Y Tý” và là một trong những đỉnh núi cao nhất của vùng Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng với khung cảnh hùng vĩ, những biển mây bồng bềnh và ánh bình minh tuyệt đẹp.

Địa hình chủ yếu là đường mòn, dốc thoai thoải xen kẽ những vách đá, phù hợp cho cả những người mới bắt đầu leo núi. Hành trình chinh phục Lảo Thẩn không chỉ mang lại trải nghiệm thử thách mà còn giúp du khách tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc.

Cần chuẩn bị gì khi trekking núi Lảo Thẩn?

1. Sức khỏe

“Cần chuẩn bị sức khỏe, cần chuẩn bị sức khỏe, cần chuẩn bị sức khỏe”. Điều gì quan trọng nhất thì phải nói 3 lần. Nếu không có sức khỏe thì chắc chắn bạn không thể leo nổi một ngọn núi cao gần 3.000 mét như vậy.

Lảo Thẩn được mệnh danh là cung trek “dưỡng sinh” với địa hình chủ yếu là đồi núi thoải, đường mòn dễ đi. Tuy nhiên, vẫn có những đoạn dốc đứng đòi hỏi thể lực tốt. Nếu bạn là trekker lâu năm, chinh phục Lảo Thẩn sẽ không quá khó, nhưng với người mới, cần đi chậm, thở đều để giữ sức. Để chuẩn bị tốt, bạn nên luyện tập trước 7-14 ngày, mang balo khi tập để làm quen với hành trình.

Sức bền: Chạy bộ, đạp xe, leo cầu thang. Giữ thăng bằng: Bài tập kiễng chân, bám cầu thang. Tăng sức chịu đựng: Bài tập đứng lên, ngồi xuống, chống đẩy.

2. Đồ nghề leo núi

Leo núi có thể nói là loại hình du lịch cực nhất, vất vả nhất và “bụi” nhất. Tuy vậy thì không nên vì tính dân dã mà bạn có thể bỏ qua những đồ nghề mà bạn cần chuẩn bị trước khi đi leo núi. Việc chuẩn bị đồ nghề kĩ càng tới đâu thì chuyến đi của bạn sẽ càng thuận lợi và dễ dàng bấy nhiêu. Sinh Tour Việt Nam xin phép gợi ý cho các bạn list đồ nghề leo núi Lảo Thẩn mà chúng tôi và khách hàng thường xuyên chuẩn bị trước chuyến đi:

Cắm trại: Nếu bạn chọn đi tự túc thì cần mang theo lều cắm trại. Khi leo núi thì nếu bạn không đặt lán ngủ qua porter thì bạn nên mang theo lều cắm trại để giữ ấm khi ngủ vào bên đêm. Nếu ngủ trong lán thì không cần mang theo lều cắm trại.

Đồ giữ ấm: Bạn nên mang theo miếng dán giữ nhiệt, dán ở chân để bạn giữ ấm vào ban đêm.

Đồ dùng cá nhân: Bình nước, gậy trekking, đèn pin, sạc dự phòng, kem chống nắng, chai xịt côn trùng, đồ sơ cứu y tế, găng tay, mũ.

Thức ăn: Bạn nên mang theo socola, lương khô, bánh mì, đồ khô vì trong chuyến leo núi sẽ khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng.

Giày leo núi: Bám sát cổ chân, đế có độ ma sát cao, phần mũi giày phải thật cứng để hạn chế việc ngón chân va vào đá hay các cành cây sắc nhọn. Nếu bạn có kinh phí lớn thì có thể mua giày leo núi của các hãng lớn như Decathlon… Còn nếu bạn không có kinh phí dư giả thì một đôi giày bộ đội khoảng 200.000đ vẫn đủ tốt để bạn vi vu leo núi.

Quần áo: Nên mang theo quần áo chống thấm, nhanh khô. Bạn hãy chuẩn bị áo khoác mỏng và áo khoác dày để luân phiên thay đổi. Cũng đừng quên mang theo áo mưa dự trù phòng khi trời mưa nhé.

Balo: Chuyên dụng, chống thấm nước và có đai trợ lực.

Tiền mặt: Để sử dụng trong trường hợp chi trả cho porter, chi trả thuê lán ngủ, khi tắm nước nóng của người địa phương.

3. Liên hệ trước porter

Có rất nhiều người chọn cách tự leo một ngọn núi, tự bản thân hoàn thành một cung trek. Điều đó cũng không có gì đáng phải bàn cãi nếu như họ là những trekker chuyên nghiệp. Trong trường hợp bạn là một người mới tham gia leo núi thì câu chuyện của chúng mình về anh porter Phàng A Tính – Người đồng hành cùng rất nhiều vị khách của chúng mình trong hàng chục chuyến đi sẽ khiến bạn hiểu vì sao một người porter lại cần thiết như vậy khi đi leo núi Lảo Thẩn.

Cuối năm 2024, dạo đó ở trên lán Lảo Thẩn lạnh lắm. Mấy tối hôm đó bên ánh đèn hắt hiu, chập chờn khi mà điện yếu quá không thể tải nổi… chúng mình đảo mắt xung quanh không gian lán tối om thì vẫn thấy anh chị porter vẫn đang bận bịu làm một việc gì đó trong khi chúng mình vẫn đang lạnh co ro quấn chiếc chăn mà không dám rời một bước ra khỏi giường.

Lúc đó, họ khi thì chuẩn bị bữa ăn ngon lành, lúc thì lại đun nước để các thành viên trong đoàn tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Chúng mình ít khi thấy anh chị porter ngơi tay làm gì lắm. Khi mà xong cơm nước thì lại sắp xếp những gùi đồ nặng trìu làm sao cho đủ thực phẩm, nước uống cho ngày hôm sau. Khi mà sắp xếp xong gùi rồi thì lại thấy họ kiểm tra đèn pin, gậy leo núi, áo mưa cho chúng mình.

Mặc dù các anh chị tất bật và cứ luôn tay luôn chân nhưng ai cũng vui vẻ, nhẹ nhàng. Sự dịu dàng của họ khiến căn lán gỗ đơn sơ, vắng bóng người bỗng trở nên ấm cúng và dễ chịu. Đó là lúc chúng mình cảm thấy dẫu ở trên núi không có điện, không có internet, thiếu thốn đủ thứ nhưng lại vô cùng “đủ đầy”. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng anh Phàng A Tính hay vợ của anh vọng vào:

“Chịu khó chờ tụi mình một chút nhé, đồ ăn sắp xong rồi”“Trời lạnh lắm, các anh chị cứ ngồi nghỉ đi. Uống trà gừng nh锓Em đóng cửa lại nhé, các anh chị ngồi cho ấm”

Mỗi câu nói của anh chị porter dù lơ lớ mà không chuẩn tiếng Kinh cho lắm nhưng cũng chẳng sao cả. Khi mà leo cả ngày đã mệt nhoài đôi chân, chỉ cần có một bữa no, một chiếc đệm và chỗ ngả lưng ấm áp trong lán nghỉ. Thế lại còn được ngồi cạnh nhau nhìn vào bên bếp lửa hồng, cười đùa, nhâm nhi ly trà nóng và quây quần bên bầu không khí đó thì thật sự là chỉ có ở núi rừng, chỉ có ở núi Lảo Thẩn mới có được.

Khoảnh khắc đó chúng mình nhận ra hai anh chị porter thật sự quan trọng như thế nào với chuyến đi của chúng mình và tự thắc mắc :“Nếu không có hai anh chị ấy, chúng mình sẽ làm thế nào để vượt qua ngọn núi này? Câu anh Tính hay nói với chúng mình nhất, là gọi cả đoàn ra ăn cơm”.

Kinh nghiệm trekking núi Lảo Thẩn cho người mới

1. Thời gian lý tưởng để trekking Lảo Thẩn

Lảo Thẩn đẹp và đơn sơ mộc mạc là vậy nhưng không phải lúc nào ngọn núi này cũng “dịu dàng” đón tiếp chúng ta, nhất là vào những ngày mùa mưa. Vì thế, trước khi leo núi Lảo Thẩn, việc lựa thời điểm cũng hết sức quan trọng.

Tháng 4 và tháng 5: Thời tiết khá mát mẻ, cây rừng xanh um, tươi tốt thích hợp cho leo núi Lảo Thẩn.

Tháng 9 và tháng 10: Đây là lúc mùa leo núi sắp sửa bắt đầu. Thời tiết mát mẻ, nhiều mây, dễ chịu.

Tháng 12 đến tháng 3: Thời tiết se se lạnh hậu mùa đông nhưng cũng là lúc cây cối sinh sôi nảy nở tạo nên khung cảnh mới mẻ trên khắp những triền núi ở Y Tý.

Thời điểm không nên đi leo núi Lảo Thẩn

Tháng 6 đến tháng 8: Vào mùa mưa, không khí ẩm ướt và cung đường trở nên trơn trượt, dễ té ngã cho người leo núi. Việc leo núi khi trời cứ liên tục mưa cũng sẽ khiến bạn cảm thấy không vui một chút nào.

2. Hướng dẫn di chuyển đến núi Lảo Thẩn

Nếu bạn đang ở Sài Gòn, bạn sẽ phải đi một chặng đường nữa để đến Hà Nội. Để điều này, bạn có thể lựa chọn giữa xe khách, tàu hỏa hoặc máy bay tùy thuộc vào điều kiện và sở thích của bạn. Sau khi đến Hà Nội, để đến Lào Cai, bạn có thể mua vé tàu hoặc đi bằng xe khách trên đường cao tốc.

Để săn mây Y Tý và Trekking Lảo Thẩn, bạn cần trải qua ba chặng đường. Mình sẽ bắt đầu từ Hồ Gươm – Hà Nội là điểm xuất phát. Nếu bạn xuất phát từ một điểm khác, hãy thay đổi để có lộ trình rõ ràng nhất.

2.1. Chặng thứ nhất: Hà Nội – Xã Y Tý (Lào Cai)

Để đến xã Y Tý, bạn cần di chuyển tới Sapa và sau đó thuê xe máy để tiếp tục hành trình. Dưới đây là hai hình ảnh Google từ Hà Nội – Sapa và từ Sapa – Xã Y Tý:

Đường từ Hà Nội tới Thị trấn Sa Pa: Đi từ trung tâm thành phố – Cầu Nhật Tân – Đường Võ Nguyên Giáp – Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và rẽ trái vào đường 4D – Đường Điện Biên Phủ – Ngũ Chỉ Sơn – Thị trấn Sapa.

Đường từ Thị trấn Sapa tới xã Y Tý: Từ thị trấn Sa Pa, tiếp tục đi QL 4D, sau đó đi đường 155 và rẽ vào đường 158 tại ngã ba giữa đường 155 và 158 để tiếp tục hành trình tới xã Y Tý.

2.2. Chặng thứ hai: Xã Y Tý – Chân núi Lảo Thẩn

Sau khi đến Y Tý, bạn nên liên hệ thuê porter ngay vì cung đường Lảo Thẩn là một con đường mới và mặc dù không quá khó đi qua nhưng rất dễ bị lạc nếu không cẩn thận. Từ Y Tý, đi xe máy lên Trang trại rau chân núi Lảo Thẩn khoảng 10km sẽ có porter đi cùng bạn để hướng dẫn cho bạn con đường. Đoạn này có chỗ đường khá xấu và dốc, vì vậy bạn phải cẩn thận khi lái xe. Khi bạn đã tới Trang trại rau sạch, bạn có thể đỗ xe tại đó nhưng hãy thỏa thuận giá trước để tránh xảy ra mâu thuẫn.

2.3. Chặng thứ ba: Trekking Lảo Thẩn – săn mây Y Tý (2860)

Sau khi đã hoàn thành hai chặng đường trước, chặng cuối cùng sẽ là leo núi Lảo Thẩn. Dưới đây là một số dụng cụ bạn cần chuẩn bị khi Trekking Lảo Thẩn và lộ trình đi săn mây Y Tý. Hãy tiếp tục theo dõi nhé!

3. Cách xử lý tình huống khi trek

Đi leo núi Lảo Thẩn nói riêng hay bất cứ ngọn núi nào nói chung đòi hỏi chúng ta phải có đầy đủ những yếu tố như sức khỏe, tinh thần, trang thiết bị thiết yếu. Nhưng, một khía cạnh quan trọng mà nhiều người quan tâm, đó chính là khi đi trek mà gặp phải những trường hợp không mong muốn thì phải làm gì và xử lý như thế nào?

3.1. Mất liên lạc trong nhóm

Khi leo núi tức là bạn đang leo lên độ cao chừng 2.000 – 3.000 mét. Đối với leo núi Lảo Thẩn thì độ cao khoảng 2.865m. Việc mất liên lạc khi leo núi đối với những bạn chưa quen sẽ gây nên cảm giác hoang mang, sợ hãi bởi không gian núi rừng xung quanh.

Điều đầu tiên cần làm là phân chia nhóm để giữ liên lạc và định vị trong trường hợp không may mất liên lạc. Khi đi leo núi, việc mất liên lạc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như thời tiết, mất sóng điện thoại, tốc độ leo quá chậm. Khi mất liên lạc thì cần xác định vị trí của thành viên đó rồi tìm cách tiếp cận. Nếu như bạn đang rơi vào tình huống mất liên lạc thì cần để lại kí hiệu bằng cành cây, trên các thân cây hay tảng đá.

3.2. Thay đổi thời tiết đột ngột

Khi leo núi Lảo Thẩn tức là bạn đang tham gia một chuyến hành trình leo từ độ cao mực nước biển (0m) cho tới 2.865m so với mực nước biển. Khi càng lên cao, thời tiết càng lạnh và sự thay đổi thời tiết lại diễn ra ngày càng đột ngột, gây nguy hiểm và khiến người leo núi cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ốm.

Thời tiết khi leo núi thường thay đổi đột ngột và xảy ra các hiện tượng như sấm chớp, mưa, giảm nhiệt độ. Bạn sẽ cần tìm nơi trú ẩn và hành động phù hợp. Cần nhanh chóng di chuyển lên khu vực lán nghỉ để tránh bị ngấm mưa lạnh.

3.3. Bị thương

Việc leo núi Lảo Thẩn đòi hỏi cường độ vận động liên tục khi mà bạn sẽ luôn phải đi bộ, leo trèo, bám vào các cành cây, tảng đá để tiến về phía trước. Trong một số trường hợp thì khi cơ bắp bị quá tải, bạn sẽ gặp phải một số triệu chứng như chuột rút, đau cơ, bong gân, trật khớp. Việc này đòi hỏi bạn phải có một người dẫn đường đi cùng để xử lý. Khi mà bạn cảm thấy không thể leo tiếp được nữa thì cần nhanh chóng xuống núi nhất có thể.

3.4. Động vật hoang dã

Khi tham gia leo núi Lảo Thẩn, việc đối mặt với động vật hoang dã như rắn độc không phải là tình huống hiếm gặp. Điều này có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng nếu bạn không chuẩn bị kỹ càng. Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro, việc trang bị kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống là vô cùng cần thiết. Hãy nắm vững các nguyên tắc cơ bản để phòng tránh và đối phó với những nguy hiểm tiềm tàng này.

4. Mẹo tiết kiệm sức khi leo núi

Khi leo núi, tiết kiệm sức lực là một yếu tố quan trọng để giữ năng lượng và an toàn trong hành trình. Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn vượt qua thử thách này một cách dễ dàng hơn:

Chọn tốc độ phù hợp: Hãy đi chậm rãi và duy trì tốc độ ổn định thay vì vội vã. Điều này giúp giảm áp lực lên cơ thể và duy trì sức bền.

Đảm bảo tư thế đúng: Đứng thẳng và giữ trọng tâm cơ thể cân đối khi leo, sử dụng chân nhiều hơn tay để tiết kiệm năng lượng.

Nghỉ ngơi hợp lý: Dừng lại để nghỉ ngơi khi cần thiết, nhưng không nghỉ quá lâu để tránh mất động lực. Các khoảng nghỉ ngắn nhưng thường xuyên sẽ hiệu quả hơn.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Gậy leo núi có thể giảm áp lực lên đầu gối và giúp cân bằng tốt hơn.

Mang đồ nhẹ: Chỉ mang theo những vật dụng cần thiết để giảm trọng lượng balo, giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn.

Bổ sung nước và năng lượng đều đặn: Uống nước từng ngụm nhỏ và ăn nhẹ các thực phẩm giàu năng lượng để cơ thể luôn được bổ sung đủ dưỡng chất.

Hít thở sâu và đều: Điều chỉnh nhịp thở để cung cấp đủ oxy cho cơ thể, đặc biệt ở những đoạn dốc cao.

Lịch trình trekking núi Lảo Thẩn 2 ngày 1 đêm chi tiết

Đêm 1: Hà Nội – Sapa

22h00: Các bạn bắt xe giường nằm lên Sapa và nghỉ đêm trên xe giường nằm.

Ngày 1: Sapa – Điểm leo núi Lảo Thẩn – Nghỉ đêm trên núi Lảo Thẩn

05:30. Xe có mặt ở thị trấn Sapa. Bạn dùng bữa sáng và chuẩn bị đồ đạc tới điểm leo núi Lảo Thẩn.

09:00. Bạn có mặt ở điểm leo núi Lảo Thẩn – trường mầm non Tả Phìn. Khởi động và bắt đầu leo núi Lảo Thẩn.

Trưa: Đoàn dùng bữa trưa dã chiến trên đường đi. Sau bữa trưa bạn tiếp tục hành trình leo núi tới lán nghỉ đêm. Cung đường leo núi sẽ đưa bạn đi qua những địa hình khác nhau như đồi cỏ, nương rừng thấp, biển mây và rừng núi như hòa cùng với nhau. Điều này mang lại cảm giác khó tả cho những người lần đầu đi leo một ngọn núi ở Tây Bắc.

16h00: Đoàn đến Láng trại, nghỉ ngơi và chuẩn bị bữa tối.

Tối: Dùng bữa tối với các anh chị porter và quây quần bên bếp lửa.

(Khu vực láng trại có nước dẫn về từ suối để sinh hoạt, có nhà vệ sinh. Quý khách lưu ý giữ gìn vệ sinh chung)

Ngày 2: Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn

04:30: Khởi động và bắt đầu chinh phục “Nóc Nhà Y Tý”. Trước khi mặt trời mọc để đón bình minh và săn biển mây.

05h30: Chạm tay vào cột mốc Lảo Thẩn 2865m. Bạn thưởng thức biển mây trên Nóc nhà Y Tý.

08h30: Về lại lán và thu dọn đồ đạc, lên đường quay lại chân núi.

13h00: Bạn di chuyển về lại thị trấn Sapa bằng xe máy hoặc ô tô.

16:00. Xe ô tô giường nằm đón quý khách về lại Hà Nội. Khoảng 21:00 về tới Hà Nội.

Tour trekking núi Lảo Thẩn – Nên đi tự túc hay theo tour?

Trekking núi Lảo Thẩn còn được gọi là “nóc nhà Y Tý,” là một trải nghiệm tuyệt vời với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và biển mây tuyệt đẹp. Việc chọn đi tự túc hay theo tour phụ thuộc vào sở thích và kinh nghiệm của bạn:

Đi tự túc:

Ưu điểm: Tự do về thời gian, lịch trình và có thể tiết kiệm chi phí nếu bạn đã quen thuộc với khu vực.

Nhược điểm: Địa hình núi Lảo Thẩn khá hoang sơ, nhiều ngã rẽ dễ lạc. Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hành lý, thực phẩm, và kỹ năng định vị.

Đi theo tour:

Ưu điểm: Các tour thường được tổ chức chuyên nghiệp, bao gồm hướng dẫn viên, porter và các dịch vụ như ăn uống, cắm trại. Điều này giúp bạn tập trung tận hưởng hành trình mà không lo lắng về việc chuẩn bị.

Nhược điểm: Chi phí cao hơn và ít linh hoạt về lịch trình.

Nếu bạn là người mới hoặc muốn chuyến đi an toàn và tiện lợi hơn, đi theo tour là lựa chọn hợp lý. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm trekking và muốn thử thách bản thân, đi tự túc sẽ mang lại cảm giác tự do và thú vị.

Câu hỏi thường gặp khi trekking núi Lảo Thẩn

1. Trekking có khó không?

Trekking núi Lảo Thẩn được đánh giá là có độ khó vừa phải. Địa hình chủ yếu là đồi cỏ thấp, ít phải leo trèo, phù hợp cho cả người mới bắt đầu. Tuy nhiên, bạn vẫn cần có sức khỏe tốt và chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn.

2. Chi phí trung bình cho chuyến đi là bao nhiêu?

Chi phí trung bình cho một chuyến trekking núi Lảo Thẩn dao động từ 2.500.000 – 3.000.000 VNĐ/người nếu bạn tham gia tour. Chi phí này thường bao gồm hướng dẫn viên, porter, ăn uống và lều trại. Nếu đi tự túc, chi phí có thể thấp hơn nhưng bạn cần tự chuẩn bị mọi thứ.

3. Có cần xin phép trước khi leo không?

Hiện tại, trekking núi Lảo Thẩn không yêu cầu giấy phép đặc biệt. Tuy nhiên, bạn nên thông báo với chính quyền địa phương hoặc người dân bản địa để đảm bảo an toàn và nhận được sự hỗ trợ nếu cần.

Leo núi Lảo Thẩn có thể nói tựa như một chuyến hành trình trở về nhà. Đó là chuyến đi gập ghềnh, khúc khuỷu và chênh vênh. Trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc và đích đến không chỉ đơn thuần là một cột mốc, leo núi còn khiến cho chúng ta biết hôm nay mình muốn gì. Đôi lúc, chỉ cần một lần “dám đi”.