
Bài 2: Phát triển du lịch biển và đảo chuyên nghiệp, hướng tới trở thành điểm đến hấp dẫn.
Lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch biển, đảo Việt Nam ngày càng tăng.
Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.
Với những lợi thế của một quốc gia biển đảo cùng sự đa dạng của các sản phẩm du lịch biển đảo Việt Nam, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và đến vùng ven biển nói riêng thay đổi căn bản. Nếu như trước năm 2010, khách du lịch đến từ Liên Xô cũ và các nước Đông Âu thì nay đã thay bằng khách đến từ nhiều nơi trên thế giới: Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc; Australia, New Zealand; Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines; Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển; Mỹ, Canada.
Đối với từng khu vực vùng ven biển, hải đảo cũng có sự khác nhau về khách du lịch, chẳng hạn như khu vực ven biển Đông Bắc là nơi có tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan cao nhất, sau đó là Pháp, Nhật, Hàn Quốc, các nước thuộc khối ASEAN, Đức, Hà Lan.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2000-2008 khoảng 16,0%/năm. Khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, tỷ lệ khách du lịch đến từ châu Âu lại cao hơn và chiếm đa số, rồi đến là Nhật, Hàn Quốc. Nếu như năm 2000 toàn vùng ven biển, hải đảo có 3.049.000 lượt khách du lịch quốc tế thì đến năm 2008 có 9.987.000 lượt khách. Năm 2010 toàn vùng đã thu hút được trên 10.860.000 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2000-2010 đạt 15,99%/năm.
Lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2015-2019 có tốc độ tăng trưởng 23%, trong đó, năm 2019 có hơn 1,5 triệu khách ra các đảo, chủ yếu đến Cát Bà, Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Vân Đồn. Biển miền Bắc là địa điểm thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Đức, Hà Lan; khu vực biển miền Trung được khách châu Âu, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng còn biển ở các tỉnh phía Nam phục vụ chủ yếu khách châu Âu, nhiều nhất là Anh, Italy, Pháp.
Khách du lịch nội địa lựa chọn du lịch biển, đảo cũng tăng khoảng 23%/năm giai đoạn 2015-2019 và đạt 9,5 triệu lượt khách ra đảo vào năm 2019, trong đó, 80-90% khách đến 2 đảo Phú Quốc và Cát Bà và tổng thu từ khách du lịch đến đảo ven biển lại tăng rất mạnh, đạt 63,37%. Phần lớn khách du lịch lựa chọn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thì năm 2019, lượng khách du lịch nội địa, quốc tế đến 11 đảo, huyện đảo của Việt Nam đạt 9.504.183 lượt khách nội địa và 1.515.273 lượt khách quốc tế với tổng nguồn thu đạt 21.187.294 triệu đồng.
Năm 2019, dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch thế giới, trong đó có du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có nhiều cách thức, biện pháp để phục hồi, phát triển du lịch ở tình trạng bình thường mới thì số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đã tăng lên, trong đó du lịch biển đảo.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam thì kết quả hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2022, đã có 1,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất. Top 10 thị trường khách hàng đến du lịch Việt Nam 8 tháng qua là Hàn Quốc, Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan. Cũng theo Tổng cục Du lịch, khách tham quan du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đã có sự gia tăng đáng kể đạt 8 triệu lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356,6 nghìn tỷ đồng.
Tại hội thảo “Phát triển Du lịch biển, đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 – 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực du lịch và kinh tế, hoạt động du lịch biển, đảo thời gian qua đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam hình thành đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cho các điểm đến du lịch, cho các địa phương và kinh tế quốc gia.
Từng bước thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn để xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch.
Hoạt động du lịch tại các vùng ven biển góp phần bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản, giữ vững môi trường sinh thái.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được từ hoạt động của ngành du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng, chúng ta cũng thấy rằng phát triển du lịch biển, đảo ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa tạo ra được sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch.
Trên thực tế ngành du lịch Việt Nam nói chung, phát triển du lịch biển, đảo đang tồn tại không ít hạn chế như: Việc khai thác còn mang tính chất tự phát, manh mún, chưa đồng đều, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.
Bên cạnh đó, một số nơi còn tồn tại việc tranh chấp không gian lãnh thổ của một số ngành kinh tế khác nhau trong quá trình khai thác.
Việt Nam cần có những định hướng và giải pháp phù hợp để phát triển du lịch biển, đảo trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam.
Để phát triển du lịch biển, đảo bền vững ở Việt Nam.
Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 09-02-2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 201/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cần phải có những định hướng và giải pháp phù hợp, từ đó phát triển du lịch biển, đảo trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam.
Để du lịch biển, đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản như nghiên cứu, xây dựng một chiến lược phát triển du lịch biển, đảo xanh gắn với phát triển nền kinh tế xanh phù hợp với điều kiện cụ thể.
Các địa phương phát triển du lịch biển, đảo cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng, bến neo đậu, cầu cảng.
Quản lý các sản phẩm du lịch biển đảo an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, quan tâm, chú ý đến vấn đề an ninh, chủ quyền biển đảo.
Nhà nước cần hỗ trợ liên kết phát triển du lịch biển, đảo giữa doanh nghiệp du lịch với ngành thủy sản.
Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu, tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch.
Hướng tới phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, khai thác các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, thể thao trên mặt biển và ngoài đảo xa.
Tôn vinh văn hóa biển, đảo, phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch biển đảo, tạo ra các hoạt động sinh kế, tạo thu nhập cho người dân.
Phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có kiến thức, có kỹ năng, có trình độ ngoại ngữ, tin học, am hiểu văn hóa để phục vụ cho hoạt động du lịch tại địa phương.
Phát triển du lịch biển, đảo chuyên nghiệp, bền vững đã và đang được các quốc gia có lợi thế về biển đảo chú ý quan tâm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà
Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[1] Tổng cục Du lịch, Đề án Phát triển Du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020.
[2] Tổng cục Du lịch Việt Nam, Trung tâm thông tin du lịch.
[3] Tổng cục Du lịch Việt Nam, Trung tâm thông tin du lịch.
[4] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X.