
Tín Ngưỡng và Những Tôn Giáo tại Việt Nam mà Có thể Bạn Chưa Từng Hay Biết
Việt Nam hiện có 7 tôn giáo được nhà nước công nhận. Mỗi tôn giáo lại có nét riêng, nhất là về trang phục tôn giáo. Sau đây là bộ ảnh tổng hợp các Tín Ngưỡng, Tôn giáo ở Việt Nam và các bộ trang phục truyền thống.
Phật Giáo Việt Nam
Đạo phật có ở Việt Nam từ bao giờ ?
Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm đạo Phật bắt đầu truyền vào Việt Nam từ khi nào. Nhưng có một nghiên cứu cho rằng đạo Phật vào Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, đánh dấu bằng truyện “Nhất Dạ Trạch” trong tập Lĩnh Nam trích quái kể lại việc Chử Đồng Tử được học đạo Phật với một nhà sư tên là Phật Quang. Theo đó, có giả thiết cho rằng, Chữ “Buddha” được phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt là “Bụt”; trong dân gian Bụt như một vị tiên hay xuất hiện để giúp đỡ người nghèo khổ, hiền lành.
Đạo Phật kể từ khi truyền vào Việt Nam đến nay được biết đã trải hơn 2000 năm đã dần dần đi vào tâm thức, ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ, cách sống của phần đông người Việt. Tuy có nhiều thịnh suy theo chiều dài lịch sử do những nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài nhưng đạo Phật từ lâu đã có vai trò quan trọng trong đời sống người Việt.
Người theo đạo phật mặc áo gì ?
Áo Tràng là trang phục phổ biến dành cho các Phật Tử Việt Nam. Phật Tử Miền Nam thường mặc áo Tràng lam còn Phật Tử Miền Bắc thường mặc áo Tràng Nâu.
Theo Thượng Toạ Thích Nhật Từ, sự khác nhau màu sắc là do văn hoá của hai miền.
Màu nâu là màu văn hoá của Phật giáo Việt Nam. “Màu nâu sòng” tượng trưng cho sự đạm bạc, là loại màu hoà hợp giữa màu nâu, màu đỏ và màu đất. Mang ý nghĩa để đời sống của mình trở nên giản đơn, không màu mè, không chạy đua, không hưởng thụ. Từ thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch cho đến thế kỷ thứ 19 ở nước Việt Nam, tất cả các tu sĩ và phật tử đều mặc áo tràng màu nâu. Màu nâu cũng là màu phù hợp với khí hậu khắc nghiệt ở miền Bắc & Bắc Trung bộ VN.
Đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài có từ bao giờ ?
Đạo Cao Đài là một tôn giáo được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, năm 1926. Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ “một nơi cao”, nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là Đạo Trời. Tín đồ Cao Đài dùng từ Đức Chí Tôn để nói đến Thượng đế, tương tự như Đức Chúa Trời trong Ki tô giáo. Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Tất cả giáo lý, hệ thống biểu tượng và tổ chức đều được “Đức Cao Đài” trực tiếp chỉ định. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút cho các tín đồ với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nghĩa là Nền đạo lớn phổ độ lần thứ Ba.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới, có tính pha trộn rất nhiều các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và cả một số tôn giáo đa thần thời cổ đại, thể hiện qua Ngũ Chi Đại Đạo. Thậm chí tôn giáo này còn thờ phụng một số nhà chính trị, nhà văn cận đại là “Tam thánh” (bao gồm Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm). Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng đế nơi Thiên giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi.
Tuy được khai sinh chính thức vào năm 1926, có nguồn nói rằng đạo Cao Đài khai sinh vào đêm Giáng Sinh năm 1925 trong lúc tình trạng nước Việt Nam đang rất hỗn độn. Cao Đài từ đó nhanh chóng phát triển về quy mô và số lượng tín đồ.
Cao Đài là một tôn giáo lớn được xem là “trẻ” nhất tại Việt Nam. Trong chưa đến 100 năm hình thành và phát triển, Cao Đài thể hiện là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn tại Việt Nam, mà chủ yếu là Tam giáo. Nhiều khái niệm cũng như hình thức của các tôn giáo lớn đều có thể thấy biểu hiện một phần tại Cao Đài.
Trang phục của đạo Cao Đài
Khác với hầu hết các tôn giáo có nguồn gốc lâu đời thường phủ nhận các tôn giáo khác, các tín đồ Cao Đài chấp nhận có tôn giáo khác và những tôn giáo đó hình thành nền tôn giáo Cao Đài. Họ lý giải đấy chính là ý đồ của Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm cụ thể, và tôn giáo Cao Đài chính là “tôn giáo duy nhất do Thượng đế lập ra ở lần thứ 3 và là lần cuối cùng” để phổ độ cho chúng sinh, không còn phân biệt tôn giáo, dân tộc hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới nữa. Chính vì vậy, điểm đặc biệt trong tôn giáo Cao Đài là sự tôn trọng tín ngưỡng và phong tục, không ép buộc tín đồ phải từ bỏ hoặc hạn chế các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng hay phong tục cổ truyền của mình.
Tín đồ Cao Đài thường mặc áo dài trắng. Chiếc áo dài thể hiện văn hoá của người Việt Nam và màu trắng tượng trưng cho bản tánh thâm trầm giản dị, khiêm tốn của tín đồ Cao Đài. Ngoài ra đối với người đạo Cao Đài áo dài màu trắng còn mang ý nghĩa là màu của sự trong trắng, vô tội, màu của tình thương, tình anh em huynh đệ mà Đức Chí Tôn dạy mọi người phải yêu thương nhau như ruột thịt.
Đạo Hòa Hảo
Đạo Hòa Hảo có từ khi nào ?
Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia.
Theo thống kê năm 2009 có khoảng 1.433.252 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khiến tôn giáo này trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ 4 tại Việt Nam. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là An Giang với 936.974 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là tỉnh có số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đông nhất cả nước chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước.
Hiện nay, trong thư viện của hơn 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo này.
Giáo lý Phật giáo Hoà Hảo chủ trương thờ phượng đơn giản, không cầu kỳ phức tạp, trở về với nội tâm hơn là hình tướng bên ngoài, đúng với tinh thần vô vi mà Đức Phật Thích Ca đã đề xướng.
Đạo Hòa Hảo khuyên tín đồ vừa học Phật vừa tu nhân để tạo nên công đức. Có công đức để trở thành bậc hiền nhân. Song, họ đặc biệt yêu cầu tín đạo phải tu nhân, cho rằng việc tu hành phải dựa trên đạo đức, trước hết đạo làm người: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên (Không có tu nhân thì không thể học Phật, hoặc học Phật mà chẳng tu nhân thì cũng vô nghĩa); Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo. Nhơn Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỹ (Muốn tu thành Tiên Phật trước hết phải tu đạo làm người, đạo người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời).
Trang phục của đạo Hòa Hảo
Vì bản chất giáo lý dạy tín đồ sống đơn giản, quan niệm trở thành con người hiền hoà, yêu nước nên trang phục của tín đồ cũng đơn giản và thuần Việt. Trang phục của họ là áo dài đen và áo bà ba nâu thể hiện bản chất hiền hoà của người Tây Nam Bộ.
Kể từ sau năm 1975 đất nước thay đổi chế độ, đạo Hoà Hảo bị chính quyền bách hại khiến việc thực hành đạo trở nên khó khăn. Đạo Hoà Hảo hiện nay gồm có Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý và nhóm Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống hoạt động độc lập, ngoài ra còn có Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo do chính quyền quản lý.
Đạo Hồi ở Việt Nam
Đạo Hồi có ở Việt Nam từ khi nào ?
Hồi giáo là một danh từ mà những người Việt Nam dùng để chỉ cho những người đi theo tôn giáo Islam nói chung. Tuy là một tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp so với toàn thể dân số Việt Nam.
Theo một số tài liệu thì Othman bin Affan, vị khalip thứ ba của đạo Hồi, đã cử tín đồ đạo Hồi đại diện đầu tiên đến Trung Hoa và một số quốc gia ở Đông Nam Á vào khoảng năm 650. Có lẽ trong những năm đầu tiên sau khi đạo Hồi khai sáng, thương nhân Ả Rập đi đường biển đã dừng chân tại vương quốc Champa trên đường đến Trung Quốc. Điều này cho biết người Chăm là người đầu tiên bắt đầu tiếp nhận đạo Hồi từ cuối thế kỷ X sang đầu thế kỷ XI,bên cạnh tôn giáo chính là Ấn Độ giáo và một thiểu số theo đạo Phật.
Số tín đồ tăng dần qua liên hệ với vua Hồi xứ Malacca nhưng phải đến thế kỷ XVII sau khi Champa bị Việt Nam thôn tính thì đạo Hồi mới trở nên thịnh hành với người Chăm.
Sự phát triển của đạo Hồi ở Việt Nam
Vào giữa thế kỷ XIX, với sự thống trị của người Pháp ở Đông Dương, nhiều tín đồ đạo Hồi người Chăm đã di cư ngược từ Cao Miên vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam. Điều này lý giải vì sao các tín đồ Hồi giáo tại Việt Nam tập trung chủ yếu từ miền Trung đổ vào miền Nam Việt Nam.
Do vị trí địa lý và hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và sự giao lưu của người dân tộc Chăm với bên ngoài nhất là với thế giới Hồi giáo mà ở Việt Nam hình thành 2 khối Hồi giáo với nhiều khác biệt đáng kể:
Hồi giáo miền Trung Việt Nam gọi là Hồi giáo Chăm Bani. Đây là nhóm Hồi giáo không chính thống vì đã pha lẫn với yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa. Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ và các lễ liên quan đến chu kỳ đời sống của con người và các lễ thức nông nghiệp, không có liên hệ với Hồi giáo thế giới. Có thể nói rằng, Hồi giáo Bàni ở Việt Nam là tôn giáo đặc trưng chỉ có ở Việt Nam, nó gắn chặt với dân tộc Chăm, là một phần tạo nên bản sắc văn hoá tôn giáo của người Chăm.
Nét riêng của đạo Hồi ở Việt Nam
Hồi giáo ở miền Nam Việt Nam là Hồi giáo Chăm Islam, gần như theo Hồi giáo chính thống, thuộc dòng Sunni, ít bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia.
Khi người Chăm từ Chiêm Thành sang Chân Lạp tị nạn, họ đã sống cộng cư cùng người Mã Lai Hồi giáo tại Chân Lạp.
Hồi giáo tại Chân Lạp do đó có sự liên hệ nhiều tới thế giới Hồi giáo bên ngoài nên một số nhóm ít bị “địa phương hóa” như Hồi giáo Chăm Bani ở miền Trung Việt Nam. Do vậy, không thể nói toàn bộ người Chăm ở Chân Lạp là những người hoàn toàn theo Hồi giáo chính thống.
Khi người Chăm từ Chân Lạp về Tây Ninh và An Giang định cư, họ mang theo Hồi giáo có sẵn từ Chân Lạp về. Sau đó trong chính cộng đồng này lại phát sinh thêm sự phân hóa giữa nhóm Kaum Tua và nhóm Kaum Muda.
Đạo hồi ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, những người theo đạo Hồi ở Việt Nam được xem là cô lập với thế giới Hồi giáo. Mệnh lệnh từ Ả Rập không đến được với những người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam.
Sau năm 1975 với cuộc chiến Việt Nam kết thúc, một bộ phận trong số 55.000 tín đồ đạo Hồi người Chăm tại Việt Nam đã trốn sang Malaysia. Ở Yemen cũng có người tị nạn Việt Nam gốc Chăm, hầu hết định cư ở Ta’izz. Tuy nhiên, hầu hết các tín đồ ở lại Việt Nam vẫn được phép sinh hoạt tôn giáo như bình thường cho dù những thánh đường Hồi giáo bị đóng cửa.
Vào tháng 4 năm 2018 chính quyền thực hiện trấn áp cưỡng chế ngôi Thánh đường của Cộng đồng Hồi giáo. Với lý do xây dựng tuyến xe điện ngầm, có lệnh thu hồi toàn bộ khu đất cùng với ngôi Thánh đường đã tồn tại gần sáu thập niên.
Được biết, khu đất sinh hoạt tôn giáo này bao gồm một ngôi Thánh đường nhỏ và hàng trăm ngôi mộ của tín đồ quá cố. Trên phương diện pháp lý, khu đất này thuộc quyền quản lý của Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman.
So với các tôn giáo khác, tín đồ Hồi giáo tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp cũng như không có những va chạm nhiều với chính quyền, vì vậy chính quyền không kiểm soát quá chặt chẽ tín đồ.
Đạo Tin Lành
Đạo tin lành có từ bao giờ ?
Ngay từ cuối thế kỷ 19, Tin Lành đã có mặt ở Việt Nam khi một nhóm tín hữu người châu Âu thành lập một nhà thờ tại Hải Phòng vào năm 1884.
Đa nguyên và dân chủ là hai nguyên lý căn bản trong việc hình thành và liên kết các giáo hội có tổ chức trong cộng đồng Kháng Cách trên thế giới. Các hệ phái được thành lập để đáp ứng những nhu cầu đa dạng mà mỗi hội đoàn đều gặp phải, và sự hợp tác trong nỗ lực truyền bá phúc âm và các hoạt động xã hội.
Bên cạnh Hội thánh Tin Lành Việt Nam, còn có các hệ phái khác như Hội Truyền giáo Cơ Đốc, Báp-tít, Hội thánh Đấng Christ và nhiều nhóm độc lập bên trong mỗi hệ phái.
Trang phục của đạo Tin Lành
Đạo Tin lành không lập Giáo hội duy nhất mang tính phổ quát cho toàn đạo mà xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với các hình thức khác nhau tuỳ theo hệ phái và từng quốc gia.
Vì nghi lễ đơn giản, những tín đồ Tin lành ít bị gò bó vào nghi thức, họ có khả năng “giao thiệp với Chúa”, mặt khác đạo Tin lành quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Về trang phục đạo Tin Lành cũng khá đơn giản không cầu kì bởi nguyên lý đa nguyên dân chủ, ăn mặc chỉnh tề, lịch sự là được.
Đạo Bà La Môn
Đạo Bà La Môn có từ bao giờ ?
Đạo Bà La Môn (Brahmanism) cũng gọi Ấn giáo hay Ấn Độ giáo, là đạo bản địa của người Ấn, hình thành ở Ấn Độ khoảng năm 1.500 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa. Bậc chân sư đắc đạo hướng dẫn tâm linh cho tín đồ được gọi là guru.
Tín ngưỡng Bà La Môn có lẽ hiện diện tại Việt Nam ngày nay qua việc du nhập ở thời lập quốc của Vương quốc Chăm Pa. Người Chăm theo đạo Bà La Môn được gọi là Chăm Ahiêr hoặc Chăm Rặt.
Đạo Bà La Môn ở Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, phần lớn những di sản văn hoá của tín ngưỡng văn hoá Bà La Môn là sản phẩm của người Chăm. Tuy được gọi là người Chăm theo Bà La Môn, nhưng nhóm cộng đồng này đã biến đổi tôn giáo của họ rất nhiều theo chiều hướng bản địa hoá.
Trang phục của đạo Bà La Môn
Mỗi chức sắc tu sĩ sẽ có bộ trang phục riêng nhằm dễ dàng nhận biết về cấp bậc. Nhưng chủ yếu là áo dài Paseh.
Áo dài Paseh được dệt bằng vải thô màu trắng, được may bằng cách ghép sáu mảnh vải lại với nhau.
Tín ngưỡng Bà La Môn thường có 5 thánh lễ chính: Mahashivarati, Holi, Ramnavami, Dusserah, và Diwali.
Đạo Bà La Môn có 900 triệu tín đồ (năm 2005). Văn hóa Bà La Môn đã sớm ghi dấu ấn ở Sri Lanka và các nước Đông Nam Á.
Trên đây là các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cùng với nét đặc sắc về trang phục tôn giáo riêng. Nếu bạn còn thông tin gì thêm về các tôn giáo trên hãy chia sẻ cho CuongDuLich biết ở bên dưới nhé.